Đối tác - Liên kết

Chí sĩ Trần Quý Cáp - Lãnh tụ trong làng tân học

Thảo luận trong 'Giới thiệu Nha Trang - Khánh Hoà' bắt đầu bởi nkthu, 2/2/14.

  1. nkthu

    nkthu Member

    Tham gia ngày:
    11/9/11
    Bài viết:
    78
    Đã được thích:
    6
    Điểm thành tích:
    8
    [h=1]Chí sĩ Trần Quý Cáp - Lãnh tụ trong làng tân học[/h]]
    Trần Quý Cáp là một trong ba nhân vật khởi xướng phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ XX. Nói đến ông là nói đến một nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc trong việc đề xướng tân học, cổ vũ dân quyền. Chính vì vậy, Phan Chu Trinh gọi ông là “Lãnh tụ trong làng tân học”. Cái chết của ông lúc mới tròn 38 tuổi đã tạc vào tâm thức hậu thế một tượng đài lẫm liệt.
    Hậu duệ của chí sĩ Trần Quý Cáp
    Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Mỹ, cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp. Căn nhà nhỏ nằm trên tầng 1 Chung cư B, chợ Đầm, TP. Nha Trang khá đơn sơ, bình dị. Ngày tôi đến cũng là ngày giỗ mẹ ông Mỹ, bà Khúc Thị Nam, người vợ đầu của ông Trần Thuyên - con trai duy nhất của chí sĩ Trần Quý Cáp.
    Ông Trần Văn Mỹ năm nay đã 81 tuổi, đi đứng rất khó khăn, thính giác bị giảm do tai biến nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông kể, mẹ ông mất lúc ông mới 11 tháng tuổi. Ba mẹ ông có với nhau 4 người con. Hai anh trai của ông đã mất, hiện chỉ còn chị gái và ông. Khi ông được khoảng 3, 4 tuổi thì cha ông đi bước nữa và ông có thêm 5 người em, hiện đang sống ở Đà Nẵng. Ông và các em vẫn thường xuyên liên lạc với nhau và chăm sóc lăng mộ của ông nội rất chu đáo. Nhìn lên bàn thờ của nhà ông Trần Văn Mỹ, di ảnh của bà nội, cha mẹ ông đều được chụp rõ nét, riêng ảnh ông nội ông - Trần Quý Cáp - lại là một bức họa chân dung. Thấy tôi thắc mắc, ông Mỹ giải thích: “Năm ông nội tôi bị xử chém, cha tôi mới 7 tuổi. Họ hàng, môn đệ phải đem cha tôi đi giấu để sau này nối nghiệp tông đường. Những văn thơ di bút quý giá, hình ảnh của ông nội tôi cũng bị tiêu hủy vì sợ liên lụy, tù đày nên hiện giờ còn lưu lại chưa quá 1%. Mãi sau này, cha tôi phải nhờ một họa sĩ khắc họa chân dung ông nội từ hình của cha tôi cũng như nhìn từ mấy anh em chúng tôi. Chính vì vậy, toàn bộ hình thờ Trần Quý Cáp ở nhà, ở đền thờ hay lăng mộ đều là hình vẽ”.
    Anh Trần Lê Minh, một trong bốn người con của ông Trần Văn Mỹ tâm sự: “Gia đình chúng tôi rất tự hào là con cháu của cụ Trần Quý Cáp. Cha tôi thường xuyên kể chuyện về ông nội, về ông cố cho chúng tôi nghe. Quá khứ vẻ vang và tự hào của gia đình là sự nhắc nhở con cháu ngày nay phải học tập, phải sống làm sao cho xứng đáng với truyền thống của gia đình”. Theo lời kể của anh Minh, trước đây, gia đình anh sống ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Hồi đó, ông nội anh thường được mọi người gọi là ông đốc Thuyên. Ông làm nghề dạy học và rất giỏi tiếng Pháp. Còn cha anh nổi tiếng với nghề sửa radio, tivi, chụp ảnh... Được một thời gian, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong gia đình có một vài xáo trộn. Ông nội anh vẫn ở Tam Kỳ, con cái thì có người vào Nam lập nghiệp, còn cha anh thì đưa gia đình nhỏ của mình vào Nha Trang sinh sống cùng với trách nhiệm chăm lo cho đền thờ cụ Trần Quý Cáp.
    [​IMG]
    Những hậu duệ của chí sĩ Trần Quý Cáp khoe thành tích học tập trong đền thờ ông.


    Từ ngày ông Trần Văn Mỹ bị tai biến, anh Minh phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cha. Nguồn thu nhập chính của cả nhà phụ thuộc vào quán cà phê cóc của mẹ anh nay cũng đã 71 tuổi bán ở dưới chung cư chợ Đầm. Cuộc sống tuy vất vả nhưng trong ngôi nhà nhỏ 47m[SUP]2 [/SUP]vẫn luôn tràn ngập tiếng cười và các cháu nội ngoại của ông Mỹ đều là những học sinh giỏi, chăm ngoan."Lãnh tụ trong làng Tân học”
    Nhớ về chí sĩ Trần Quý Cáp là nhớ đến phong trào Duy Tân những năm đầu thế kỷ XX. Tư tưởng của ông lúc bấy giờ là muốn cứu nguy dân tộc, bảo toàn nòi giống thì phải duy tân, khai thông dân trí, đề xướng dân quyền, cải cách xã hội và đặc biệt là phải đổi mới việc học. Trong các ngôi trường duy tân do ông cùng các đồng chí của mình xây dựng, ngoài các môn khoa học thường thức, lịch sử, địa lý, nhà trường còn dạy cả âm nhạc, rèn luyện thể chất. Học sinh được nghe diễn thuyết và tập diễn thuyết. Trường học là trung tâm tuyên truyền xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ, bài trừ hủ tục, chống mê tín dị đoan, cải cách sinh hoạt, phê phán bọn cường hào sâu mọt... Tư tưởng cải cách trong giáo dục của Trần Quý Cáp lúc bấy giờ không chỉ thể hiện sự đổi mới có giá trị trong những năm đầu thế kỷ XX mà vẫn còn giá trị thực tiễn trong tình hình đất nước hiện nay.
    Là một người nổi tiếng trong giới học thuật có danh vọng lúc bấy giờ, lại là một người quân tử nên Trần Quý Cáp rất được quần chúng ngưỡng mộ. Phan Chu Trinh gọi ông là “Lãnh tụ trong làng tân học”. Nhận thấy vai trò rất lớn của Trần Quý Cáp trong nhân dân cũng như trong giới sĩ phu yêu nước, thực dân Pháp và tay sai đã bắt Trần Quý Cáp về giam tại Diên Khánh, sau đó không cần xét xử, đưa ông ra xử chém tại gò Chết chém bên bờ sông Cạn (phía Đông thành cổ Diên Khánh) vào ngày 15-6-1908, tức ngày 17-5 năm Mậu Thân. Đây là một vụ án kỳ quặc nhất thời bấy giờ, người đời gọi bản án đó là “Mạc tu hữu”, giết không cần xét xử.
    Trong rất nhiều tư liệu về Trần Quý Cáp, nhiều tư liệu nói ông bị giặc chém ngang lưng, song cũng có tư liệu cho rằng ông bị giặc chém bay đầu. Nhà cầm quyền thực dân lúc đó cũng không chịu giao trả thi hài cho gia đình mà đem vùi lấp tại chỗ. Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân cả nước cũng như ở Khánh Hòa. Đau đớn và cảm phục trước tinh thần yêu nước của Trần Quý Cáp, mặc dù bị kẻ thù răn đe, dọa dẫm, nhân dân Diên Khánh vẫn bí mật mua sắm lễ vật chôn cất và chăm sóc phần mộ của ông. Vài năm sau học trò và gia đình chuyển hài cốt ông về quê nhà. Ông Trần Văn Mỹ cho biết, theo lời kể của cha ông thì khi gia đình chuyển hài cốt của ông nội ông về chôn cất ở làng Bất Nhị, xã Điện Phước (Quảng Nam) thì xác định ông nội ông bị giặc chém rơi đầu.
    Để ghi nhớ công lao của Trần Quý Cáp, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau, nhiều ngôi trường, tuyến đường mang tên Trần Quý Cáp đã xuất hiện trên cả nước. Năm 1970, Trung Liệt Điện hay còn gọi là đền thờ Trần Quý Cáp đã được xây dựng ở chính nơi nhà yêu nước nằm xuống. Và đến năm 1991, di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 17-5 âm lịch hàng năm, người dân Khánh Hòa đều đến thắp hương tại đền thờ Trần Quý Cáp. Năm 2013, UBND tỉnh đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ 105 năm ngày mất Trần Quý Cáp tại đền thờ của ông ở thị trấn Diên Khánh, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của các thế hệ sau này đối với vị danh nhân của dân tộc đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Khánh Hòa.

    THU HIỀN
    (Khanhhoaonlines)