Đối tác - Liên kết

Đặng Thái Sơn tiếc vì thí sinh VN chuẩn bị chưa kỹ

Thảo luận trong 'Thảo luận về Âm nhạc - các Fan ca sĩ' bắt đầu bởi shopvno, 14/9/10.

  1. shopvno

    shopvno New Member

    Tham gia ngày:
    29/4/10
    Bài viết:
    677
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng đánh giá cuộc thi piano quốc tế lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam có quy mô và chất lượng khá, nhưng sự chuẩn bị gấp gáp khiến thí sinh trong nước chịu nhiều thiệt thòi.


    [​IMG]
    Đặng Thái Sơn thấy mình cần có trách nhiệm trong việc quảng bá tên tuổi cuộc thi Piano quốc tế tại Việt Nam ra thế giới.
    - Anh nhìn nhận thế nào về tài năng piano của Việt Nam năm nay so với các nước?

    - Tôi chỉ là Chủ tịch danh dự và giám đốc nghệ thuật. Do bận rộn, tôi không thể tham gia từ đầu cuộc thi mà chỉ dự được buổi diễn cuối của bảng C hôm 12/9, nên không thể có được đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, tôi thấy bảng C độ chuyên nghiệp rất cao. Đây là bảng dành cho thí sinh 18 - 25 tuổi, chỉ có 9 thí sinh nhưng ai cũng rất khá. Năm người lọt vào chung kết trong đó có hai Việt Nam, hai Hàn Quốc và một Đài Loan. Kết quả, Hàn Quốc giành hai giải nhất, nhì, thí sinh Đài Loan và Lưu Hồng Quang của Việt Nam chia nhau giải ba.

    Về trình độ, tôi thấy thí sinh Việt Nam và quốc tế không có gì khác biệt ghê gớm lắm nhưng sự chuẩn bị chênh nhau rất lớn. Các thí sinh nước ngoài luôn có chuẩn bị kỹ càng từ hàng năm trời với các chương trình huấn luyện, thi thử, tập luyện giữ phong độ - cả một thời gian biểu được lập rõ ràng. Sinh viên Việt Nam thiệt ở chỗ đó. Không chỉ riêng cuộc thi này mà ở nhiều cuộc thi khác, Việt Nam chúng ta cứ “nước đến chân mới nhảy” nên không thể có kết quả hoàn hảo được. Tôi tiếc nếu thí sinh Việt có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ càng, thứ hạng sẽ tốt hơn rất nhiều.

    - Không có thời gian tham gia từ đầu tới cuối concours nhưng anh đã vận động rất nhiều nước tham dự cuộc thi Piano quốc tế lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội. Anh đánh giá ý nghĩa của nó thế nào đối với nền âm nhạc bác học Việt Nam?

    - Tình hình Việt Nam đang khởi sắc. Chúng ta có rất nhiều tin vui về kinh tế, các ngành khoa học cũng có nhiều chuyện có thể khoe với bạn bè quốc tế. Khi chúng ta đã phát triển kinh tế nhưng cuộc sống tinh thần vẫn đứng im thì thật kinh khủng. Tôi muốn chúng ta ngày càng có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hơn nữa để làm cho cơ thể Việt Nam được cân bằng.

    Từ trước tới giờ chúng ta mới làm những concours mang tính chất quốc gia. Lần đầu tiên có một cuộc thi quốc tế. Đó là cả một sự đổi khác, trưởng thành rất lớn. Chính vì vậy, nếu mang tính chất quốc tế mà chỉ toàn thí sinh Việt Nam với nhau thì thật buồn. Khổ cái, những concours lớn nếu tổ chức thường phải quảng cáo cách đó khoảng 2 năm trong khi Việt Nam chỉ có 4 tháng. Những thí sinh giỏi đã có lịch thi chỗ này, diễn chỗ kia hết cả. Đó là điều chúng ta thiệt thòi. Vẫn cái tật “nước đến chân mới nhảy” nên phút chót, tôi cuống lên, phải đi hô hào bạn bè quốc tế, vận động được 14 thí sinh nước ngoài. Họ đều rất chuyên nghiệp nhưng không tới mức cao siêu. Học sinh khoa piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thường trêu tôi: “Chú Sơn đi cõng rắn về cắn gà nhà” (cười lớn).

    - Việt Nam lợi thế sân nhà lại có số lượng thí sinh áp đảo nhưng thành tích tại cuộc thi không cao. Anh lý giải gì về điều này?

    - Tôi nghĩ đây là cái tốt. Tôi muốn cuộc thi Piano quốc tế của Việt Nam có giám khảo quốc tế chấm và minh bạch, công bằng. Nếu chúng ta ưu ái Việt Nam thì lại khích động sự tự tin - điều này rất có hại vì hình như hiện tại, thí sinh chúng ta đang thừa tự tin quá. Phải khách quan các tài năng Việt Nam mới biết thực lực của mình đến đâu. Sau mới tính toán làm sao cho lần thi tới, chúng ta đạt kết quả tốt hơn. Nó đụng đến chương trình giáo dục rất lớn. Bây giờ chúng ta có điều kiện trường lớp, đàn tốt. Tuy nhiên, giáo dục âm nhạc của chúng ta còn chịu nhiều ảnh hưởng của Liên Xô cũ, trong khi thế giới có những luồng khác nhau và đang tiến rất nhanh. Chúng ta cũng không có trại hè âm nhạc, lớp đào tạo ngắn hạn nào. Học đàn không phải cứ một thầy một trò ngày ngày ngồi miệt mài trong bốn bức tường.

    [​IMG]
    Đặng Thái Sơn trao học bổng cho Lưu Hồng Quang. Anh thường thân mật gọi cậu trò nhỏ là "Bốp".
    - Anh đánh giá thế nào về Concours này so với các Concours trên thế giới?

    - Tất nhiên không đứng top đầu nhưng cũng không nằm ở top cuối. Một nửa số cuộc thi trên thế giới, thí sinh không được có dàn nhạc đệm nhưng chúng ta thì có. Quy mô của chúng ta cũng khá lớn. Tuy nhiên, trị giá giải thưởng quá nhỏ. Thí sinh đoạt giải nhất cũng chỉ đủ tiền mua vé máy bay còn những chi tiêu, ăn uống phải tự bỏ ra.

    Thế giới hiện nay có hơn 600 cuộc thi piano, trong đó top 5 dẫn đầu nằm ở châu Âu và Mỹ. Thí sinh khi chọn cuộc thi thường nhìn vào uy tín của concours. Có những concours lớn, giải thưởng tới hàng trăm nghìn USD. Nhiều concours trao giải bằng cách cho thí sinh trình diễn với dàn nhạc, tham gia festival hay thu băng đĩa với hãng này hãng khác, ai sẽ ngồi trong Ban giám khảo. Nhìn vào việc thí sinh tham gia concours gì, người trong nghề sẽ biết ngay thực lực của họ.

    Sau đó, thí sinh sẽ chọn xem cuộc thi tài trợ cho họ ra sao. Nhiều concours, thí sinh được đài thọ hoàn toàn ăn ở. Việt Nam chúng ta chưa đủ kinh phí làm điều đó. Một concours quốc tế phải hội đủ Á, Âu, Mỹ nhưng chúng ta chủ yếu mời các nước châu Á tham gia vì chi phí họ đến Việt Nam sẽ rẻ hơn.

    - Thời gian gần đây, các thí sinh Việt Nam tham gia và chiến thắng tại nhiều cuộc thi piano nhưng chủ yếu ở khu vực châu Á. Theo anh, vì sao chúng ta chưa mạnh dạn so tài ở những cuộc thi lớn tại châu Âu?

    - Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân khiến nhiều người dẫn đến tình trạng này: thứ nhất là tốn kém, thứ hai là thí sinh luôn lượng sức mình để đặt mục tiêu đoạt giải gì đó trong khi các cuộc thi ở châu Âu rất khó khăn. Đó là cái thận trọng của người ta. Cũng có thể họ có tham gia nhưng không được giải nên không thông báo rộng rãi.

    Ngay cả chính tôi khi tham gia thi Chopin ở Ba Lan năm 1980 cũng là một sự liều lĩnh. Tôi chuẩn bị cho thi Chopin trước đó hai năm. Lúc đầu là ngấm ngầm, khi đủ tự tin mới ghi danh tham dự. Không phải vì giải thưởng mà vì hâm mộ Chopin, muốn đến đất nước ông sinh ra, nhưng khi tôi hỏi ý kiến giáo sư, ông gạt ngay. Ông cho rằng tôi nên thử sức dần ở những cuộc thi nhỏ nhưng tôi thấy mình chỉ hợp với nhất với nhạc Chopin. Lúc đó tôi tự nhủ, tôi là cậu sinh viên vô danh tiểu tốt ở Nga, chưa được giải nào, nếu thất bại cũng chẳng ai biết mà xấu hổ. Cuộc thi có 4 vòng, tôi chỉ mơ qua 2 vòng. Ngày đó thì đủ tự tin để thi chứ bây giờ ai xui đi tôi lại chẳng dám vì mình đã có tiếng, thi không được gì thì mang tiếng lắm (cười).

    - Nếu ngày đó, anh không đoạt giải Chonpin, anh nghĩ cuộc đời mình sẽ thay đổi thế nào?

    - Thật khó trả lời, chắc chắn tôi vẫn đánh đàn và tham gia các giải thưởng khác. Không phủ nhận giải thưởng ảnh hưởng lớn tới cuộc đời tôi vì bản thân concours Chopin tiếng tăm quá lớn, không cần quảng cáo chỉ cần đoạt giải nhất, người ta tự tìm đến mình. Sự kiện đó không chỉ có ý nghĩa với tôi mà còn có ý nghĩa lớn với các dân chơi nhạc. Hồi đó, lần đầu tiên thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định cho một cậu thanh niên không phải đảng viên đi biểu diễn ở các nước tư bản và một loạt người trẻ Việt Nam được cấp học bổng đi học trung cấp piano ở Nga.

    - Trong các tài năng trẻ piano Việt Nam, anh đặt kỳ vọng vào ai?

    - Cuộc thi Quốc tế Piano lần thứ nhất có thể coi là tổng lực của Việt Nam. Ở concours này, tuy đoạt giải ba nhưng Lưu Hồng Quang cho thấy cậu chịu khó học hỏi, có đầu óc và biết nghĩ. Làm việc với những người như thế rất thích.

    Ở Ba Lan, có dịp theo dõi Nguyễn Việt Trung và xem cậu là mầm non. Trên thế giới, người ta thích gọi là thần đồng, nghe đập choang choang vào tai nhưng là con dao hai lưỡi. Rất may Trung là em bé rất ngoan ngoãn, học trường tốt. Có người gọi Trung là “Đặng Thái Sơn thứ hai”, tôi thấy cũng được (cười).

    Nhiều trường hợp rất đáng tiếc mà tôi được chứng kiến, bố mẹ là người ngoại đạo, thấy con được khen là thần đồng, cứ tưởng con mình là nhất, tâng bốc nó, đến vài năm sau là chìm luôn.

    Danh sách thí sinh đoạt giải thưởng tại cuộc thi

    Bảng A:
    - Kuroki Yukine: Giải Nhất; Giải của tổ chức Nhịp cầu Âm nhạc Tương lai (Nhật Bản) cho Thí sinh biểu diễn nhạc Chopin hay nhất.
    - Đỗ Hoàng Linh Chi: Giải Nhì.
    - Ngô Phương Vi: Giải Ba.
    - Bùi Vũ Nguyệt Minh: Học bổng Đặng Thái Sơn.
    - Bùi Khánh Linh: Giải triển vọng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
    - Li Hsueh Chun: Giải khuyến khích

    Bảng B:
    - Không có giải Nhất
    - Trần Viết Bảo: Giải Nhì; Giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Thí sinh biểu diễn thể loại Nocture hay nhất.
    - Lưu Đức Anh: Giải Nhì.
    - Montesclaros Ma Regina: Giải Nhì.
    - Nguyễn Lê Bình Anh: Giải Ba; Học bổng Đặng Thái Sơn.

    Bảng C
    - Kim Kyung Hoon: Giải Nhất; Giải của tổ chức Nhịp cầu Âm nhạc Tương lai (Nhật Bản) cho Thí sinh biểu diễn nhạc Chopin hay nhất; Giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Thí sinh biểu diễn âm nhạc thế kỷ XX hay nhất.
    - Chun Da Hyun: Giải Nhì; Giải của tổ chức Nhịp cầu Âm nhạc Tương lai (Nhật Bản) cho Thí sinh độc tấu tác phẩm Chopin hay nhất.
    - Lưu Hồng Quang: Giải Ba; Học bổng Đặng Thái Sơn.
    - Shih Wei Chen: Giải Ba.


    * Ảnh: Đêm gala trao giải Cuộc thi Piano quốc tế tại VN

    Ngọc Trần thực hiện
    Ảnh, clip: Ngọc Trần



    Nguồn: VNExpress