Đối tác - Liên kết

Đánh giá phim Siêu Bão Địa Cầu

Thảo luận trong 'Xóm nhà lá' bắt đầu bởi daotrangss, 26/1/18.

  1. daotrangss

    daotrangss New Member

    Tham gia ngày:
    9/1/18
    Bài viết:
    13
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    3
    Nghề nghiệp:
    IT
    Geostorm lấy đề tài về thảm họa thiên nhiên quen thuộc, nhưng không phải bản sao nhạt nhẽo của những phim trước đó. Phim ra rạp với tựa Siêu bão địa cầu.
    Trong tương lai, khi vấn đề biến đổi khí hậu trở nên ngày càng nghiêm trọng, người ta bắt đầu nói nhiều đến cụm từ “thời tiết cực đoan”. Đây là cách gọi chung của các hiện tương khí tượng nguy hiểm có khả năng gây thiệt hại, bất ổn xã hội nghiêm trọng hoặc gây thiệt mạng. Trước tình hình đó, 17 quốc gia trên thế giới đã cùng nhau chế tạo trạm không gian điều tiết khí hậu theo sự thiết kế của Jake (Gerard Butler). Người ta gọi đó là Dutch Boy Program hay chương trình cậu bé Hà Lan. Thế rồi chương trình bất ngờ xảy ra sự cố tái hiện thời tiết cực đoan ở một số khu vực và ngày càng lan rộng. Vậy là một cuộc điều tra được nhanh chóng thực hiện và đó là nội dung trong Geostorm.


    Những năm gần đây, chúng ta ngày càng thấy nhiều phim lấy nội dung về thảm họa thiên nhiên và đều mang một nội dung na ná nhau nhàm chán. Tuy nhiên, ít nhất thì Geostorm cũng có một sự điều chỉnh, khác biệt với phần lớn những phim lấy cùng đề tài này. So sánh một cách đơn giản, nếu như 2012 là câu chuyện đầy kịch tính về cuộc chạy đua để tìm cách sống sót khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, thì Geostorm là câu chuyện giải quyết khủng hoảng sau khi loài người đã vượt qua được thảm họa đó. Vì thế nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim theo kiểu 2012 thì chắc chắn Geostorm không phải là ứng cử viên phù hợp.

    Điều đầu tiên mà tôi cảm thấy không hài lòng, nhưng cũng không bất ngờ với Geostorm chính là cốt truyện dễ đoán. Tất nhiên với những phim như thế này, điều người xem quan tâm không hẳn là nội dung, mà thường là những kỹ xảo vi tính ấn tượng khiến bạn phải mở to mắt để xem cho sướng mắt. Geostorm không ngại che giấu câu chuyện quá đơn giản của nó ngay từ trailer phim. Thậm chí nếu chưa từng xem qua trailer, bạn cũng có thể đoán trước được mọi diễn biến sẽ diễn ra như thế nào, rồi các vai ai là người tốt hay người xấu các kiểu trong suốt thời lượng phim. Nghe có vẻ không còn gì thú vị nữa, nhưng đó là trong trường hợp bạn quan tâm đến cốt truyện của phim thôi. Ở khía cạnh còn lại, những cảnh thảm họa thiên nhiên được sử dụng kỹ xảo vi tính khá ấn tượng và quả thật coi rất mãn nhãn.


    Cảnh mà tôi ấn tượng nhất là cơn sóng thần bị đóng băng tràn vào thành phố Rio, đông cứng tất cả mọi người dân ở đây thành những tảng băng hình người và cô gái chạy đua cùng chiếc máy bay đầy kịch tính. Ý tưởng thảm họa thiên nhiên cũng có thể khiến bạn cảm thấy thú vị khi nó khá đối nghịch với khí hậu nguyên thủy của quốc gia đó. Chẳng hạn như Dubai có khí hậu sa mạc nhiệt đới lại lãnh nguyên cơn sóng thần, trong khi Moscow vốn có khí hậu lạnh lẽo thì lại bị nhấn chìm trong nhiệt nóng làm tan chảy và thiêu đốt mọi thứ. Geostorm cũng rất biết sử dụng vài cảnh cảm động để lay động chút cảm xúc trong lòng người xem, như cảnh cậu bé ở Mumba trong cơn lốc xoáy vẫn tìm kiếm chú chó của mình khá “đẹp”. Nói như vậy để bạn thấy phim đã làm rất tốt phần mà nhiều người xem quan tâm nhất: kỹ xảo vi tính.
    [​IMG]


    Ở khía cạnh diễn xuất, tôi khá thích anh chàng Jake do Gerard Butler thủ diễn. Đoạn mà nhân vật này điều trần với Leonard Dekkom (Ed Harris) khá buồn cười và nó thể hiện rõ tính cách của nhân vật chính khá thú vị. Gerard Butler dường như có duyên “đóng phim” với tổng thống trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Sau Olympus Has Fallen rồi London Has Fallen và bây giờ là Geostorm. Nếu may mắn, trong năm sau có thể chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại nhân vật Mike Banning do anh thủ diễn trong Angel Has Fallen nữa.


    Trong các vai phụ, chúng ta tiếp tục gặp lại Talitha Eliana Bateman trong vai Hannah, con gái của Jake. Tuy nhiên vai diễn của Talitha lần này không tạo được ấn tượng như trong phim Annabelle: Creation. Hai vai còn lại đáng chú ý là cặp đôi Sarah (Abbie Cornish) và Max (Jim Sturgess) giúp “thay đổi không khí” trong phim khá tốt. Chỉ tiếc là những cảnh “đổi gió” của cặp đôi này không nhiều như mong đợi khiến tôi cảm thấy hơi tiếc. Cá nhân tôi nghĩ Geostorm sẽ thú vị hơn nếu có thêm nhiều đoạn hài hước do cặp đôi này “cầm trịch”, xen kẽ với những đoạn diễn biến kịch tính trong phim. Các vai diễn đều khá tròn vai và thật sự với những tình tiết trong phim, bạn sẽ không có gì để phải phàn nàn cả.

    Nhịp phim cũng vậy, được xây dựng khá ổn, lúc nhanh lúc chậm và có những khoảnh khắc gieo chút cảm xúc vào lòng khán giả đúng lúc, giữ tâm trạng của người xem không dừng lại ở một cảm xúc nào quá lâu. Mọi thứ gia vị đều được cho vào một chút, không thừa không thiếu, nhưng nếu gọi là vừa đủ thì tôi cảm thấy không hẳn. Có thể vì vậy mà kết thúc phim, bước ra rạp cũng không đọng lại gì nhiều trong tôi về những gì được xem. Geostorm có thể đã trình diễn những kỹ xảo vi tính khá ấn tượng, mang tính giải trí cao, nhưng bước ngoặt tạo kịch tính gần cuối phim trên trạm không gian có phần “hụt chân”, tạo chút cảm giác thất vọng trong tôi.


    Sau cuối, nếu yêu thích thể loại khoa học giả tưởng, không gian và thảm họa, thì Geostorm vẫn là một bộ phim khá và đáng xem. Tuy nhiên bạn nên loại bỏ tư tưởng Geostorm sẽ giống một phim nào đó mà bạn nghĩ đến trước khi bước vào rạp. Mô típ phim tuy không mới, nhưng ý tưởng xây dựng khác với nhiều phim về thảm họa thiên nhiên trước đây. Nếu mang tư tưởng so sánh, Geostorm có thể khiến bạn thất vọng vì đơn giản là nó không giống những phim đó. Dù chưa đến mức tạo nên làn gió mới trong đề tài quen thuộc này, nhưng ít nhất nó cũng không biến mình thành bản sao nhạt nhẽo của những phim cùng đề tài trước đó.
     
    E71XXX thích bài này.