Đối tác - Liên kết

Lịch Sử Khánh Hòa

Thảo luận trong 'Giới thiệu Nha Trang - Khánh Hoà' bắt đầu bởi ..::mÈo::.., 17/1/08.

  1. ..::mÈo::..

    ..::mÈo::.. Solitary Cat

    Tham gia ngày:
    18/11/07
    Bài viết:
    542
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, tại đây đã từng tồn tại một nền văn hóa Xóm Cồn, có niên đại lâu trước cả văn minh Sa Huỳnh.

    Theo Ðại Nam nhất thống chí, năm 1653 vua Chăm là Bà Tấm sai quân quấy nhiễu biên cảnh, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc chống giữ, nhân đêm tối vượt núi Thạch Bi, tiến đến tận sông Phan Lang (Rang). Vua Chăm sai con mang thư hàng và xin dâng đất cho chúa từ phía Ðông sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa Nguyễn chấp thuận, đặt dinh Thái Khang chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh gồm 5 huyện là Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương (thuộc phủ Diên Ninh) ở phía Nam; huyện Tân Ðịnh, Quảng Phước (thuộc phủ Thái Khang), giao cho Hùng Lộc trấn thủ.



    Lễ kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa

    Như vậy, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính, chúa Nguyễn đã đưa vùng đất Khánh Hoà ngày nay hội nhập vào lãnh thổ Ðại Việt. Sự kiện lịch sử này được coi là mốc thời gian mở đầu cho sự hình thành địa phận hành chính tỉnh Khánh Hoà ngày nay.

    Tên tỉnh Khánh Hòa được xác lập vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng, gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh.

    Trải qua triều Nguyễn, thời thuộc Pháp, tỉnh lỵ đóng tại thành Diên Khánh. Đến đầu năm 1945 chuyển về đóng tại thị xã Nha Trang (nay là thành phố Nha Trang) cho đến nay.

    Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 29/10/1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được hợp nhất thành một tỉnh mới là tỉnh Phú Khánh.

    Ngày 30/3/1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành Thành phố Nha Trang.

    Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 4 đã quyết định sát nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.

    Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 đã quyết định chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh mới là Khánh Hòa và Phú Yên.

    Ngược dòng thời gian, Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa.

    Nơi đây, ngày nay vẫn còn sừng sững khu tháp cổ thờ Bà mẹ xứ sở Ponagar_khu Tháp Bà (Nha Trang) nằm trên đỉnh hòn Cù Lao thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thuộc loại lớn nhất trong hệ thống đền tháp Chămpa tại Việt Nam.
    [​IMG]

    Đàn đá Khánh Sơn

    Ngoài Tháp Bà, ở Khánh Hòa còn có nhiều di tích văn hóa Chămpa như Bia Võ Cạnh có niên đại khoảng thế kỷ III-VI sau công nguyên, là tấm bia cổ vào bậc nhất nước ta và Đông Nam Á; Thành Hời, miếu Ông Thạch, ... nhưng có thể khẳng định, trong số những di tích văn hóa Chămpa ở Khánh Hòa thì khu di tích tháp Bà Nha Trang là di tích còn lại tiêu biểu nhất và quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa về các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc và bia ký.

    Cùng với các di sản văn hóa vật thể đó là những di sản văn hóa phi vật thể có bản sắc riêng trong dòng văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là truyền thuyết về nữ thần Ponagar_ Bà mẹ xứ sở, là lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, là điệu múa bóng dâng Bà đã đi vào câu ca:



    "Ai về Xóm Bóng quê nhà
    Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không?"



    Dấu vết thành lũy Diên Khánh nay còn lưu lại chứng tích một công trình văn hóa vật thể, đã được cha ông ta xây dựng khi bắt đầu hình thành phủ Thái Khang và Diên Ninh trấn giữ vùng Nam Trung Bộ, khai điền, lập ấp, mở rộng bờ cõi cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc về phương Nam. Hệ thống đình chùa, miếu mạo khắp các thôn làng trong vùng đất Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ để tôn vinh thờ cúng những vị tiền hiền, hậu hiền đã có công giúp nhân dân làm ăn sinh sống. Hệ thống nhà thờ họ của người dân là biểu hiện của nỗi nhớ về cội nguồn quê hương đất nước, chim có tổ, người có tông, mà cùng nhau gìn giữ thanh danh truyền thống cho gia đình, dòng họ của mình, cùng nhau giáo dục làm điều thiện, tránh điều ác, làm rạng rỡ tông danh dòng họ, kẻ hậu sinh luôn nhớ về công đức của các bậc tiền bối. Hệ thống chùa chiền Phật giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành ... trải rộng khắp vùng lãnh thổ Khánh Hòa góp phần giáo dục con người làm điều hay lẽ phải, tránh điều dữ, điều ác, góp phần hoàn thiện con người trong xã hội hướng tới cái "Chân - Thiện - Mỹ ".

    Trân trọng quá khứ và với tấm lòng "uống nước nhớ nguồn", các thế hệ người Việt ở Khánh Hòa luôn nâng niu giữ gìn những di sản văn hóa quí báu của các bậc tiền nhân và sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới rất đáng tự hào.

    Công tác bảo tồn bảo tàng đã được quan tâm củng cố, hàng trăm hiện vật cổ cách đây hàng nghìn năm đã được sưu tầm, khai quật từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ văn minh đồ đồng, đồ sắt. Nhiều hiện vật văn hóa có tính lịch sử trong chiến tranh giữ nước của nhân dân Khánh Hòa đã được giữ gìn trân trọng như những vật báu.

    Những di tích văn hoá-lịch sử, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những công viên tráng lệ , những tượng đài đầy ấn tượng sẽ góp phần vẽ nên bức tranh văn hóa vật thể hoành tráng trên vùng đất Khánh Hòa xinh đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và giàu tiềm năng này.

    Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2001-2005 đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm, nhằm khai thác tối đa mọi tiềm năng và nội lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng Khánh Hòa trở thành một tỉnh phát tiển mạnh trong khu vực.