Đối tác - Liên kết

“Sống trên đời ăn miếng dồi chó”

Thảo luận trong 'Xóm nhà lá' bắt đầu bởi khanhvong, 25/6/10.

  1. khanhvong

    khanhvong Active Member

    Tham gia ngày:
    11/10/09
    Bài viết:
    1,156
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    38
    Khi một bạn Việt Nam đề nghị tôi viết bài về ẩm thực Việt Nam, thì tôi vẫn hồ nghi phần nào về khả năng của mình. Vâng, tôi đã ăn nhiều món ăn Việt và tôi cũng có những món khoái khẩu, nhưng tôi là một người đàn ông sống một mình ở Hà Nội và tôi chưa bao giờ nấu được món ăn Việt Nam nào đáng kể cả. Thế nhưng, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về những năm tháng sống ở Việt Nam, từ cái món đầu tiên là canh chua cá lóc ăn ở Tây Ninh gần 7 năm trước cho đến bát bún riêu, ốc, cua vừa ăn sáng nay và cái vị mắm tôm vẫn vương vất nơi sống mũi.

    Có thể tôi là người biết nhiều hơn về ẩm thực Việt Nam so với đa số người nước ngoài sống ở đây. Và thậm chí so với một số người Việt thì hiểu biết của tôi về ẩm thực cũng khá đa dạng, do tôi đã sống ở cả hai miền Việt Nam (hơn nữa ở hai vùng rất khác nhau) là Hà Nội và Tây Ninh. Tôi đã có cơ hội ăn thử cơm nấu của mấy trăm, thậm chí có thể của mấy nghìn đôi tay (cách diễn đạt của người Mỹ mà) theo một số kiểu chính. Và hơn thế nữa, người Việt Nam thường muốn tìm hiểu cách nhìn của người nước ngoài đối với văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và ẩm thực của xứ sở mình.

    Ðầu tiên, có lẽ tốt nhất là bạn biết một chút thông tin về tôi: tôi thích ăn lắm. Và vì tôi là người Mỹ, sinh ra ở một đất nước thường được người ta mô tả như một nơi hỗn cư lớn của những người thuộc các dân tộc và các quốc tịch khác nhau (bằng tiếng Anh gọi là nồi hầm nhừ “melting pot” hoặc “bát rau ghém “salat bowl”) nên tôi rất may mắn có điều kiện được tiếp xúc với ẩm thực của nhiều dân tộc trên toàn cầu từ hồi nhỏ. Nga, Pháp, Mêhicô, Brazil, Êtiôpia, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Ðộ v.v. Tôi còn nhớ lần đầu tiên bố mẹ đưa tôi đi ăn cơm Nhật Bản. Lúc ấy tôi mới lên 4 và cố gắng ăn cơm với đôi đũa… Khỏi cần phải nói về cái lần đầu tiên ấy lạ lẫm đến thế nào khi tôi làm rơi tất cả xuống đất: từ đũa, từ bát đến cơm và cái sự vụng về đó khiến khách ăn trong nhà hàng nhìn thấy lấy làm thích thú, nhưng lại làm cho tôi bực mình lắm. Tuy nhiên, từ bữa cơm đó cách đây hơn một phần tư thế kỷ, cơm Phương Ðông đã thành lối ẩm thực mà tôi không thể thiếu. Biết bao nhiêu bạn bè Việt Nam thực sự ngạc nhiên khi thấy một người Mỹ như tôi lúc ăn cơm Việt Nam không những không hề khó khăn chút nào, mà còn là điều mang lại niềm vui cho tôi nữa!

    Nhưng “sống trên đời ăn miếng dồi chó”, người Việt bảo nhau thế. Và tôi xin kể bạn nghe tôi đã ăn món “mộc tồn” này thế nào. Năm 1997 tôi đến sống ở Việt Nam lần đầu tiên. Lúc ấy tôi chưa hề nói được một từ một chữ tiếng Việt nào. Một buổi chiều, sau khi tôi mới chỉ ở Hà Nội được 10 ngày, tôi quyết định đi xe đạp ra ngoại thành để tập thể dục và ngắm phong cảnh. Sau 90 phút đạp xe lang thang, tôi thấy đói bụng và muốn nghỉ mát một chút. Tôi rẽ vào một quán bình dân trông như một cái lều. Trong quán đã có kê những bộ bàn ghế nhỏ. Tôi thấy có 7 người đàn ông đang ngồi uống rượu, họ vừa ăn, vừa trò chuyện, cười rôm rả. Ngay khi tôi bước vào, tất cả mọi sự dường như đều dừng lại. Bảy đôi mắt nhìn chằm chằm vào tôi như một kẻ vừa từ hành tinh khác đến đây. Có lẽ do thấy cả quán bất ngờ trở nên im lặng nên bà chủ quán chạy ra khỏi bếp. Bà há hốc miệng khiến hàm răng dường như sắp rơi xuống đất.

    Lúc này tôi có thể làm cái gì đây? Hay là tôi quay lưng và bỏ đi chăng? Như vậy thì mọi thứ cùng những con người này được trở lại bình thường? Nếu tôi không bước vào thì mọi thứ hoặc cuộc trò chuyện của họ sẽ vẫn diễn ra như đang diễn ra. Nhưng mà không, tôi vốn là người kiêu hãnh và kiên quyết trong những tình huống tương tự. Tôi đã ngồi xuống chiếc bàn ngay cạnh bức tường. Khi nhận ra rằng tôi không định đi, bà chủ quán miễn cưỡng đến bên bàn tôi. Cả hai người, tôi và bà ấy đều không có khả năng nói một lời nào để giao tiếp với nhau được. Bởi vậy tôi buộc lòng chỉ tay tới mấy cái bàn với những người đàn ông kia đang ngồi như muốn nói: “tôi cũng sẽ ăn cũng những thứ như họ”. Bà chủ quán nhìn tôi vẻ lưỡng lự, rồi bà quay sang nói điều gì mà tôi không hiểu với mấy ông thực khách, họ bật cười đồng thanh, sau đó bà ấy vào bếp. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nở một nụ cười trên mặt, nhưng mà chắc chắn cả quán biết tôi đang bối rối, vì 7 người đàn ông đều quan sát tôi như đang theo dõi một sinh vật lạ lùng, phi thường gì đó.

    Năm phút sau bà ấy khệ nệ bước ra với một chiếc mâm. Trên mâm này có rau, bún, thịt và một thứ bột loãng màu tím, và chai rượu. Tôi không hề biết thứ thịt này cùng loại bột tím loãng ấy. Dĩ nhiên, về sau tôi mới biết rằng thứ nước bột màu tím kia là mắm tôm, và như thành ngữ nói “nhăn như khỉ gặp mắm tôm”, thì tôi ngay lúc đó cũng có cử chỉ tương tự khi cái mùi ấy qua mũi tôi, thứ mùi khiến cho tâm trí tôi đảo lộn. Nhưng mà lúc đấy có 8 người, 7 đàn ông và một đàn bà đang xem xét theo dõi tất cả mọi hành động, cử chỉ của tôi, một cảnh trí chưa từng thấy ở đây, cho nên tôi nghĩ tôi phải ăn, không thể tránh né được.

    Lúc đầu, tôi ăn thử một miếng thịt luộc mà không chấm gì cả. Ngay khi lưỡi tôi chạm tới miếng thịt thì tôi biết bữa ăn này sẽ rất khó khăn với tôi, cái vị này thật là “vô tiền khoáng hậu” và thực ra, tôi không thích lắm. Khi đang nhai, tôi cảm thấy nóng mặt và có lẽ đôi má tôi đỏ lựng như hai quả bồ quân. Ô trời ơi, tôi đã làm gì thế này?

    Nhìn thấy tôi vụng về với bữa ăn này nên hai người đàn ông rời bàn ăn của họ đến bàn tôi và ngồi xuống với tôi. Họ chỉ dẫn cách ăn đúng là như thế nào. Làm theo những chỉ dẫn của hai người bạn mới, tôi liền nói “cảm ơn”, hai từ tiếng Việt duy nhất. Tôi gắp bún, rau, thịt và mắm tôm vào bát của tôi. Bất ngờ, tôi không những thấy mắm tôm chẳng khó ăn mà còn làm cho miếng thịt bí ẩn này đưa được vào miệng tôi.

    Hai người bạn mới rót rượu vào chén của tôi. Họ bắt đầu dạy cho tôi những từ tiếng Việt mà tôi ghi ngay vào sổ tay. Có thể nói rằng buổi chiều đó là buổi học tiếng Việt đầu tiên của tôi. Hai người bạn này tên là Long và Tuấn. Tôi học những từ như “rượu”, “mắm tôm”, “bàn”, “ghế”, “đũa” v.v. Trong vốn từ vựng mới ấy, tôi cũng ghi từ “thịt chó”. Tôi đã hiểu đây là một loại thịt nhưng mà là của con gì?

    Sau gần hai tiếng đồng hồ, đã đến lúc tôi đã phải xin phép ra về. Tôi thanh toán tiền nhưng hai “thầy giáo” của tôi không hề muốn nghe. Tôi nói “cảm ơn” biết bao nhiêu lần vì không biết làm thế nào khác. Tôi ra khỏi quán, cảm thấy hài lòng vì sự trải nghiệm “khác thường” vừa qua tôi, và đạp xe về Hà Nội.

    Khi về tới ký túc xá ở Ðại học Bách Khoa, tôi lập tức lên phòng cô bạn thân, cô ấy là Việt kiều, và kể chuyện về những gì tôi vừa nếm trải. Rốt cuộc, tôi nói “nhưng tôi không biết thứ thịt này là thứ thịt gì?”. Tôi cho cô ấy xem quyển sổ tay. Cô ấy thốt lên tiếng cười thật to: “Trời ơi, anh đã ăn thịt chó (dog meat) rồi!”.

    Tôi đứng lặng người, không nói được gì. Tôi như người ngơ ngẩn khi nghe thấy hai từ “thịt chó” cô bạn vừa nói. Trời ơi, gia đình tôi có một con chó, gần gũi như thành viên trong nhà. Mẹ của tôi sẽ nghĩ thế nào đây khi biết chuyện này. Tôi bỗng thấy nôn nao, bụng cồn cào như sắp nôn ọe. Tôi lao vào phòng vệ sinh nhưng không kịp…

    “Con đã ăn cái gì?!” mẹ tôi hét lên. Ðó là lúc tôi mới về nhà sau hơn một năm ở Việt Nam và kể cho bố mẹ tôi hay chuyện lần đầu tiên tôi gặp và ăn thịt chó. Mẹ tôi đang ngồi trên sàn nhà ngay cạnh con chó nhà tôi, nó tên là KC. Mẹ và con KC đã nhìn tôi với vẻ mặt như dành cho một kẻ sát nhân… vẻ mặt khiếp sợ và ghê gớm. Sau một giây phút bối rối, mẹ tôi bảo tôi với giọng kiên quyết: “Jason, con lại đây và xin lỗi con KC ngay đi…”.

    Từ cái ngày cách đây gần 7 năm ấy cho tới nay, tôi đã ăn thịt chó nhiều lần. Dĩ nhiên, tôi không nhắc tới việc này với bà mẹ tôi), và tôi vẫn không thích món đó lắm. Tôi chỉ ăn thịt chó để bạn bè tôi vui mà thôi. Có thể, lần ăn thịt chó đầu tiên ấy đã trở thành một ký ức lâu dài. Những lần ăn về sau đó đã tiếp tục, nhưng không còn dư vị đặc biệt như lần ấy: Không phải vì tôi thích ăn thịt chó (tôi nghi ngờ liệu có lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ thích được thịt chó hay không); mà đơn giản chỉ là sự cả nể vì tình cảm bạn hữu tình, hữu nghị. Ðấy là những khi ngồi chia sẻ với bạn bè, vừa nhấm nháp cái vị lạ lùng của thứ thực phẩm phương đông, vừa tâm sự, cởi mở tấm lòng…

    Jason Picard