Đối tác - Liên kết

Thành Diên Khánh

Thảo luận trong 'Giới thiệu Nha Trang - Khánh Hoà' bắt đầu bởi ..::mÈo::.., 13/4/08.

  1. ..::mÈo::..

    ..::mÈo::.. Solitary Cat

    Tham gia ngày:
    18/11/07
    Bài viết:
    542
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Thành Diên Khánh - cách Nha Trang mười cây số và nằm giữa một vùng quê trù phú với những cánh đồng lúa chín vàng vào mùa gặt. Thành được gọi là phố huyện bởi ở đó có huyện Diên Khánh và huyện cũng chỉ có vài con phố nhỏ ở trung tâm huyện lỵ. Thành - ngày xưa có Hành cung (nơi nghỉ chân của vua chúa mỗi lần vi hành qua đây) bây giờ vẫn còn đầy đủ bốn cổng thành : Đông - Tây - Tiền - Hậu. Cửa Đông từ phía Nha Trang đi vào trong Thành, ra khỏi cửa Tây là đến Đồn Xiêm (ngày xưa quân Xiêm đóng ở đây). Tương truyền ngày xưa khi quân Xiêm La (Thái Lan) đóng quân ở đây đã đào một con sông, gọi là sông Đào. Con sông này đổ vào sông Cái, đâm thẳng ra vùng Phú Lộc. Từ ngày có con sông Đào này con nít ở vùng Phú Lộc sinh ra chẳng thể nào nuôi được. Có một ông thầy địa lý đến coi và khuyên nên xây một cái miếu chận đầu con sông. Ít lâu sau một cái miếu được xây lên gọi là miếu Ba Tà. Những chuyện dị đoan từ cái miếu này được truyền khẩu trong dân gian và các bà mẹ thường đem kể cho trẻ con nghe trong những đêm mưa gió. Cây cầu bắt ngang qua con sông này gọi là cầu Hà Dừa. Hà Dừa là một vùng tạo bởi con sông Đào vòng quanh với những hàng dừa, lùm tre xanh ngắt. Bên kia cửa Tiền là Phú Khánh, nơi nổi tiếng có món bánh ướt. Bên kia cửa Hậu là Phú Lộc với con sông Cái thật dễ thương chảy qua một vùng quê thanh bình. Ngày xưa ông ngoại tôi đi buôn đò dưa, buôn các thứ ở vùng xuôi như quần áo, muối, cá khô đóng bè đưa lên miền núi đổi các thứ của người dân tộc như : trầu, cau, mây… Sau đó người dân tộc lại đóng các thứ đó ở miền núi thả bè trôi, đến cửa Hậu, họ thổi tù và ông Ngoại tôi cho người ra lấy các thứ về. Đó là những năm tháng thời bình.

    Rồi quân Pháp đến đóng ở cửa Thành Diên Khánh, cho xây bít cửa Tiền và cửa Hậu để tránh Việt Minh tấn công vào thành. Các cửa thành hồi đó đều có cổng làm bằng gỗ lim rất nặng, sau này quân Pháp đến cho thiết giáp (tức tàu bò) vào được trong, thành bị đập nới rộng ra phía trong. Ngày xưa cửa Tiền chỉ dành cho quan, còn dân phải đi cửa Hậu. Con đường xung quanh các cổng thành ngày xưa thông thương được với nhau nhưng sau này do dân lấn chiếm đất nhiều nên không còn thông với nhau được nữa. Cửa Tiền hiện đã được mở cho dân ra vào còn cửa hậu vẫn bị xây bít. Ngày xưa có ba trường trung học nằm gọn trong thành, những buổi tan trường áo trắng tràn ngập con đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Lý Tự Trọng). Người ở phố huyện xung quanh thành quen biết nhau gần hết. Người ta có thể kể về nhau vanh vách như bà con họ hàng, hồi nhỏ học hành ra sao và người đó đã có những mối tình nào, với ai…

    Thành có một loại bánh tráng gạo không có mè khác với các loại bánh tráng ở các tỉnh khác, bánh tráng bao giờ cũng có vị mặn mặn ngọt ngọt. Có loại mỏng dùng để cuốn với chả ram, loại dày hơn dùng để ăn cuốn với thịt, rau hay với măng ngày Tết, còn loại dày hơn nữa thì thường dùng để nướng ăn. Nếu không muốn nướng ăn thì phải dang ngoài nắng to, ăn dòn rụm, loại bánh này chỉ dùng để ăn chơi. Bánh tráng ở Thành có đặc điểm là bao giờ cũng có vị ngọt ngọt, khác hẳn với các loại bánh tráng ở thành phố. Ở Thành, Diên Lạc là nơi chuyên sản xuất bánh tráng phồng, nhưng với bánh tráng nướng ngon nhất phải nói là bánh tráng Quang Thịnh rồi mới đến bánh tráng Phú Lộc. Bánh tráng được nướng vàng cong lên thành hình yên ngựa xếp chồng lên nhau đựng trong mốt cái bao nylon thật lớn treo lủng lẳng trước quán.

    Ngày nghỉ chợt nhớ về Thành người dân Nha Trang chỉ cần mười lăm hai chục phúc chạy xe Honda là tới. Chạy xe lòng vòng những con phố nhỏ, Thành vẫn nhỏ bé như ngày nào. Vào lại trong thành, con đường mới được sửa sang như sạch sẽ hơn bởi cơn mưa chiều hôm trước. Thành êm đềm quá, mộc mạc quá, như hương vị của cái bánh tráng thơm thơm ngọt ngọt. Như một cái tên thật êm đềm mà những đêm xa xứ cứ nhớ mãi


    QT's Blog